Nét vẽ của Chúa

Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài muôn vật. Người vẽ lên vũ trụ, tinh tú vẻ đẹp kỳ diệu và khôn ngoan. Đối với cuộc đời của một con người, Chúa càng vẽ lên những đường nét tuyệt đẹp, độc đáo và ý nghĩa. Bất kỳ ai khao khát Chân, Thiện, Mỹ thì sẽ nhận hiểu nét vẽ của Chúa: lúc đầu chỉ nhìn ra nét phác họa, nhưng dần dà, thấy rõ nét vẽ của Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc mình. Và đối với bản thân, em chân nhận nét vẽ kỳ diệu của Chúa trong cuộc đời của em.

Em sinh ra trong dải đất miền Trung nắng gió. Người cha đạo đức, say mê tri thức, tìm kiếm sự khôn ngoan và người mẹ kính mến Thiên Chúa, tảo tần hôm sớm, đã mang lại cho em niềm hạnh phúc của đời sống đạo, sự chân thành của tình yêu thương gia đình và một tinh thần ham học hỏi. Thuở ấu thơ, em rất yêu quý một Sœur Dòng Mến Thánh Giá Vinh, là em ruột của bà nội. Sœur là mẫu gương của sự hiền lành, chân thật và đầy lòng kính mến Chúa. Từ nhỏ, cứ mỗi lần em xuống phố để tham dự các cuộc thi dành cho học sinh được tuyển chọn, bố luôn chở em vào Dòng Mến Thánh Giá Vinh để thăm bà, và tìm hiểu cuộc sống tu trì. Em đã luôn tin rằng, sau này, em sẽ sống đời dâng hiến nơi đây và phục vụ quê hương. Nhưng vào năm em 18 tuổi, cha Bề trên của Đại Chủng Viện Vinh Thanh lúc bấy giờ, ngỏ lời muốn chị Marie-Anne Linh và em cùng vào Dòng Phaolô Thiện Bản tại Sài Gòn, để tìm hiểu ơn gọi, linh đạo và sứ mạng của Hội Dòng. Bởi vì cha ước ao có sự hiện diện của Hội Dòng trong việc phục vụ thư viện tại Đại Chủng Viện Vinh Thanh.

Từ thời tiểu học, em đã rất mê đọc sách và yêu thích tri thức bách khoa. Do đó, khi được tiếp xúc với tranh ảnh Chúa, Đức Mẹ và các thánh, đặc biệt được “lạc” vào thế giới sách với rất nhiều cuốn hay và giá trị, em thực sự có niềm hứng khởi và niềm vui. Em tìm gặp Chúa, chân lý của Người qua những trang sách nuôi dưỡng đức tin và niềm xác tín thẳm sâu. Với bản tính ham học hỏi thì đối với em, sách là một chân trời mở ra với tràn đầy sự sống. Bởi vì qua sách, em được mở mang trí hiểu, củng cố đức tin, nhờ đó, con tim trở nên “rộng lớn” hơn.

Em tìm kiếm Thiên Chúa, Đức Giêsu và cái chết của Người qua các nghiên cứu khảo cổ và khoa học trong các trang sách. Em khao khát có lòng yêu mến Chúa như các vị thánh với nhiều nẻo đường thiêng liêng; khao khát hiểu biết Chúa với các nhà tu đức và thần học trong các suy tư của họ. Qua việc đọc sách, em thực sự cảm phục nhân cách phi thường và dịu dàng yêu thương của Chúa Giêsu. Em tự hào về đạo Công giáo với sự sống chân thật, đầy khôn ngoan nơi nền tảng luân lý mà Giáo hội dạy. Do đó, em khao khát được Thiên Chúa gặp gỡ và đụng chạm trong tâm hồn mình.

Qua những thăng trầm cuộc sống, Thiên Chúa đã chạm đến cõi lòng để em thấy Người hiện diện, đồng hành và nâng đỡ em. Em nhận ra Người là Kho Tàng, là Vẻ Đẹp tuyệt vời, là Tình Thương tuyệt đối. Khi đứng trước giới hạn của bản thân, sự mỏng giòn của phận người, em thực sự chân nhận tình yêu của Thiên Chúa: “Con người là chi? Nó có ích lợi gì? Đâu là cái hay, cái dở của nó? Số ngày đời của con người nhiều lắm là một trăm năm. Một giọt nước biển, một hạt cát: đó là số năm ngắn ngủi của nó sánh với cái đời đời. Bởi thế, Đức Chúa kiên nhẫn với chúng, và đổ tràn xuống trên chúng lòng thương xót của Người” (Hc 18,8-11).

Thiên Chúa hiện thân nơi con người của Đức Kitô, chính là Lòng Thương Xót, vì đã yêu thương không điều kiện, không giới hạn. Người đã chết trên thập giá và sống lại cho em được sống dồi dào. Tình Yêu của Người gánh lấy bệnh tật, nỗi khổ đau và tội lỗi của em. Người hằng ở trong em, lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ và lòng khao khát của em. Em hạnh phúc nhiều vì Kitô giáo có một huyền nhiệm: đó là sự gắn bó kết hiệp với Đức Kitô ngay trên trần gian. Sự gắn kết này có sức mạnh biến đổi con người. Đặc biệt, nơi Bí Tích Thánh Thể, em tràn ngập xúc động, lòng biết ơn và tràn đầy sức mạnh của Chúa.

Ngày được ký kết giao ước trọn đời với Chúa, con tim em thực sự rung động vì biết rằng, Thiên Chúa đã chọn gọi em mà không hề do dự, dù em chỉ là một tội nhân. Em xác tín rằng, Thiên Chúa muốn em thuộc trọn về Chúa: trí hiểu, con tim, tình yêu và toàn bộ cuộc đời em. Do đó, em là của Chúa. Những gì làm hoen ố tình yêu dành cho Chúa, qua việc lỗi lời cam kết sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục sẽ không phải là sự sống của em, không phải là ơn gọi của em. Thiên Chúa ở trong em, là nguồn sức mạnh để em học chiến đấu thiêng liêng, học chịu đựng và học biết quảng đại, yêu thương người khác. Vì thế, cuộc đời em có một nỗi khát khao: yêu mến Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương em trước, như câu châm ngôn giao ước trọn đời của em: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con” (Tv 18,2).

Cha sáng lập Hội Dòng, Joseph Schorderet, là mẫu gương của em vì đã hết lòng say mê, yêu mến Chúa Giêsu, đến độ tuyên xưng trước Đức Giáo Hoàng Lêô XIII: “Con muốn được giết chết vì Đức Giêsu Kitô”. Cha hằng lặp lại châm ngôn sống: “Quy tụ muôn loài trong Đức Kitô” (Ep 1,10); “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”(Pl 1,21). Đối với cha, “Không phải là tôi sống nữa, mà là Đức Giêsu Kitô sống trong tôi”. Cha đã truyền lại cho mọi con cái về luật sống căn bản là đức mến nơi 1Cr 13,1-13. Và cuốn sách Thực hành lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô mà cha nhấn mạnh, như là phần chú giải luật sống. Noi gương thánh Phaolô, cha nhận thấy rằng, mọi hành động không nhuốm đức mến thì vô ích trước mặt Chúa. Vì thế, sống đức mến cách cụ thể chính là: yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Kitô và những kẻ mà Người yêu thương (thánh Tôma Aquinô).

Hơn nữa, một điều rất quan trọng mà em cảm nghiệm trong tâm hồn: nhờ Hội Dòng, em nhận được vô vàn Ân sủng của Thiên Chúa. Hội Dòng Phaolô là gia đình mà Chúa muốn em là thành viên, để sống và xây dựng đức mến trong suốt cuộc đời của mình. Hội Dòng là bến đỗ đích thực, Chúa đã vẽ cho em tự bao giờ. Em biết ơn Đấng sáng lập và quý Sœurs tiền bối đã cùng gầy dựng Hội Dòng từ những giai đoạn khó khăn. Em hết lòng cảm ơn Sœur Tổng Quyền, quý Sœurs ban Tổng Cố Vấn đã tiếp nối gìn giữ gia sản ấy. Em chân thành cảm ơn toàn thể quý Sœurs Bề Trên, quý Sœurs Giáo, quý Sœurs đồng hành trong đời sống huynh đệ và đời sống sứ vụ tông đồ, và toàn thể quý Sœurs trong Hội Dòng. Em đã nhận được vô vàn sự nâng đỡ, dạy dỗ, đồng hành, dìu dắt đầy yêu thương của quý Sœurs như tình thân thương của gia đình đích thực. Em ước ao được là cây viết chì của Chúa, là tờ giấy trắng của Người, để Chúa vẽ lên đời em những ý muốn của Chúa, trong sứ mạng của Hội Dòng. Em ước ao mang lại niềm hạnh phúc cho quý chị em, với đời sống tu sửa mình của em và đời sống thực hành đức mến. Nhờ Mẹ Maria, em tri ân tình Chúa và xin cảm ơn toàn thể quý chị em.

Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 7 năm 2020

Em: Sr. Marie-Cécile Nguyễn Thị Biên

 

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49)

Nhìn lại cuộc đời, con cảm nhận được những chuỗi ngày Ân sủng và tình yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng cho con. Ngay cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhất, bình thường nhất nhưng tất cả đều là tình yêu thương và sự quan phòng cao cả mà Thiên Chúa dành cho con. Ý thức phận nữ tỳ hèn mọn bởi những giới hạn bất toàn của  con người, con càng nhận thấy tình yêu thương quan phòng lớn lao của Thiên Chúa.

“Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126,3). Cuộc sống của con đã đón nhận biết bao Ân Huệ từ Thiên Chúa qua rất nhiều cách thức của Người: qua Lời, qua một cảnh sắc trong thiên nhiên, qua một vị khách hàng, qua những niềm vui nho nhỏ, qua những khó khăn thử thách, qua một người Chị Em, qua gia đình… Qua tất cả những điều đó, con luôn cảm thấu được rằng chính “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi, biết bao điều cao cả”. Từ đó, con luôn sống tâm tình tạ ơn.

Tạ ơn Chúa đã chọn gọi con sống ơn gọi dâng hiến trong Hội Dòng Thánh Phaolô. Và trước đó, từ ngàn đời, Người đã chuẩn bị cho con.

“Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu” (Tv 139,14). Tạ ơn Chúa đã cho con được làm người trong lòng thế giới, được làm con Chúa trong lòng Giáo Hội. Tạ ơn Chúa đã cho con được sinh ra trong gia đình có bố mẹ và các anh chị. Đó là nơi đầu tiên con được đón nhận, được yêu thương, được dạy dỗ; là nơi đầu tiên con được học biết về Đức tin, về Thiên Chúa; và cũng là nơi đầu tiên gieo mần ơn gọi dâng hiến cho con.

Và rồi, sự quan phòng của Thiên Chúa, cách khéo léo, Người đã đưa con đến với ơn gọi dâng hiến nơi Hội Dòng Thánh Phaolô. Nơi đây, con bắt đầu sống ơn gọi dâng hiến cách cụ thể và được học biết sâu rộng hơn về Thiên Chúa, được sống gần hơn và có kinh nghiệm sống động hơn với Người qua đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn huynh đệ và đời sống sứ vụ tông đồ.  Ở đây, bên cạnh những niềm vui cũng không tránh khỏi những khó khăn thử thách. Nhưng Thiên Chúa có cách của Người. Qua những khó khăn thử thách, Người cho con có những kinh nghiệm sống động về sự quan phòng của Người. Đồng thời, qua từng Chị Em sống cùng, con được nâng đỡ cách thiêng liêng trong lời cầu nguyện, được đón nhận, được yêu thương, được tin tưởng, được tha thứ và được học thêm những bài học quý giá trong cuộc sống. Không chỉ nơi những Chị Em xung quanh nhưng ngay cả nơi những Chị Em mà con chưa từng có cơ hội gặp, con cũng được nâng đỡ trong lời cầu nguyện, trong những lá thư thăm hỏi và cả những bài học mà con được nghe từ các chị đi trước kể lại. Tất cả những điều đó là gì nếu không phải là Tình yêu và Tình yêu đó là gì nếu không phải là Đức Ái trong chương XIII, và Đức Ái đó là gì nếu không phải là Đức Giêsu. Đức Giêsu đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả.

Như vậy, ơn gọi của con được Thiên Chúa là Đấng cho mọc lên từ Tình yêu nhưng không của Người qua cách thức mà Người đã chuẩn bị cho con từ ngàn xưa. Ơn gọi đó được gia đình ươm trồng, được Hội Dòng chăm sóc, giáo dục, đào tạo, tưới bón.

Tất cả những gì con có được ngày hôm nay, con xin nhớ ơn tới Đấng Sáng Lập và những Sơ đi trước, đã xây dựng, đã cố gắng, đã yêu thương và để lại cho chúng con những di sản tinh thần và cả những tài sản vật chất để chúng con, cách riêng là bản thân con đang được thừa hưởng những thành quả đó. Và tất cả những điều đó mời gọi con góp phần của mình để tiếp tục xây dựng phát triển Hội Dòng. Bên cạnh đó, nhờ công ơn của bố mẹ, các anh chị, những người thân yêu và tất cả quý Chị Em, là những người đã luôn đồng hành, chia sẻ với con cách cụ thể trong cuộc sống dâng hiến. Xin nhận nơi con tấm lòng biết ơn và xin tiếp tục cầu nguyện cho con để mỗi ngày trong cuộc sống, con sống kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa, để là chứng nhân làm vinh danh Chúa và sống kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương trong tinh thần phó thác, tin yêu như Đấng Sáng Lập đã nói “phải để quá khứ cho Lòng Thương Xót, hiện tại cho Đức Ái và tương lai cho Thiên Chúa”.

Đalạt, 5 juillet 2020

Sr. Marie-Anne Đặng Linh

 

Việt Nam

Tháng giêng năm 1974, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng giám mục Sài Gòn. Ba nữ tu Việt Nam: Sr Catherine-Anselme Trần Thị Kim Bảo, Sr Thérèse-Emmanuelle Trần Thị Lan, Sr Anne-Irénée Bùi Thị Thảo, được Hội Dòng Thánh Phaolô sai về thành lập cộng đoàn đầu tiên tại Sài Gòn. Nhưng trước khi cơ sở vật chất được ổn định thì xảy ra biến cố 30-4-1975. Một số người dân đã rời bỏ quê hương, nhưng các nữ tu Hội Dòng Thánh Phaolô quyết định ở lại Việt Nam, bất chấp những khó khăn do thay đổi chế độ chính trị, vì xác tín rằng sứ vụ đã được Hội Dòng giao phó, chính là tại quê hương Việt Nam.

Hội Dòng Thánh Phaolô chính thức thành lập tại Việt Nam ngày 30-01-1974 và được gọi là Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản vì hoạt động chuyên biệt về ngành văn hóa, sách báo tốt.

Đến năm 1992, Cộng đoàn mới bắt đầu nhận ơn gọi và mở Cộng đoàn Tập Viện.

Từ khởi thủy, các nữ tu Hội Dòng Thánh Phaolô giữ y phục đời, giản dị đơn sơ, tùy theo địa phương và công việc. Tại Việt Nam, chị em chọn chiếc áo dài truyền thống làm tu phục.

Hoạt Động

Không để lu mờ ý hướng của Đấng sáng lập là dùng “Sách báo, in ấn được nâng cấp thành một hoạt động tông đồ” để “qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,10). Nhưng vì tình hình chính trị thời đó nên việc hoạt động tông đồ của Hội Dòng rất hạn chế. Trong suốt khoảng thời gian gần 15 năm (1975-1989), các Soeurs làm việc âm thầm tại Tòa báo Công Giáo và Dân Tộc.

– Ba Soeurs đầu tiên đã cộng tác về mặt kỹ thuật và hành chánh tại tuần Báo, xuất bản sau biến cố 1975.
– Từ năm 1989 (sau khi Đại chủng viện bắt đầu hoạt động lại 1986) các Soeurs phục vụ tại Thư Viện Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Giáo phận Tp. HCM.
* Từ năm 1992, Hội Dòng đã mở một số phòng đọc sách thiếu nhi tại các giáo xứ ở Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. Hỗ trợ phòng đọc sách tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc các giáo phận: Đà Lạt, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phan Thiết, Lạng Sơn, Vinh…

Thực Hiện Sứ Mạng Trong Các Thư Viện Và Các Nhà Sách:

* Thư viện ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn (1989)
* Thư viện Tòa Giám Mục TP.HCM (1998) và trực tổng đài điện thoại của Tòa Giám Mục (2009)
* ĐCV Thánh Giuse Hà Nội (2007):
Thư viện Khoa Thần Học
Thư viện Khoa Triết Học
* Văn phòng Tòa Giám Mục Sài Gòn
* Văn khố Tòa Giám Mục Sài Gòn
* Nhà sách Đức Bà Hòa Bình (1995), Giáo xứ Chính Tòa, Giáo Phận Sài Gòn
* Nhà sách Trung Tâm Mục Vụ, số 6 Đường Tôn Đức Thắng
* Nhà sách Phaolô, Giáo xứ Chính Tòa Đà Lạt
* Nhà sách Giáo xứ Bảo Lộc  (2015)
* Nhà sách Phaolô Hà Nội (2019)
Bắt đầu từ năm 2007, do nhu cầu của giáo xứ mà các cộng đoàn trực thuộc, các Soeurs tham gia dạy giáo lý cho các em thiếu nhi.

 Điều Kiện Gia Nhập

– Tuổi từ 18 – 25
– Sức khỏe tốt về thể lý và tâm lý
– Tốt nghiệp phổ thông trung học
–  Đạo đức tốt, có chí hướng sống đời  dâng hiến.


 

Đài Phát Thanh Vatican thứ Hai (11.11.2019)


PowerPoint

HỘI DÒNG THÀNH LẬP TẠI VIỆT NAM